Tạp chí Y Dược học - Tập 8 (02) năm 2018
Nguyễn Thành Tín, Lê Phan Minh Triết, Nguyễn Viết Nhân, Cristina Giuliani, Donata Luiselli, Giovanni Romeo
2018 - Tập 8 (02), trang 59
Đặt vấn đề: Chất độc màu da cam là hóa chất diệt cỏ được sử dụng phổ biến nhất để rải trên lãnh thổ Việt Nam trong chiến tranh. Phụ phẩm của nó, 2,3,7,8-tetrachlorodibenzo-paradioxin (Dioxin), là chất cực độc khó phân hủy. Ảnh hưởng của chất diệt cỏ này lên sức khỏe của người Việt Nam và cựu binh Mỹ đã được đề cập trong nhiều nghiên cứu. Tuy nhiên, nghiên cứu về những tác động ở mức độ phân tử của Dioxin tồn lưu trong môi trường trên các cư dân Việt Nam hiện nay sinh sống trong vùng nhiễm vẫn chưa được thực hiện.
Mục tiêu: Đánh giá mối liên hệ giữa chất độc màu da cam/Dioxin tồn lưu trong môi trường và những sự thay đổi tình trạng methyl hóa DNA (Deoxyribonucleic acid) trong máu ngoại vi của cư dân Việt Nam hiện đang sinh sống ở các vùng bị nhiễm.
Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang. Đối tượng nghiên cứu là 188 đối tượng đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế: 94 đối tượng cho nhóm nghiên cứu từ vùng rải (A Lưới và Nam Đông, Thừa Thiên Huế) và 94 đối tượng cho nhóm đối chứng từ vùng không rải (từ Quảng Bình trở ra Bắc). Sử dụng phương pháp MALDI-TOF MS khảo sát sự biến đổi tình trạng methyl hóa DNA trên gene CYP1A1.
Kết quả: Với 22 đảo CpG của gene CYP1A1 được khảo sát, có sự giảm methyl hóa tại đảo CpG_2.3.4, đảo CpG_5, đảo CpG_12.13 ở nhóm cư dân sinh sống ở Nam Đông, A Lưới so với nhóm đối chứng (p< 0,05). Sự giảm methyl hóa DNA ở phân nhóm CASES_F_P so với cả phân nhóm CASES_NON_F_P và nhóm đối chứng xảy ra ở nhiều vị trí: đảo CpG_2.3.4, đảo CpG_5, đảo CpG_9, đảo CpG_10, đảo CpG_11, đảo CpG_12.13, đảo CpG_17, đảo CpG_18.19 (p< 0,05).
Kết luận: Nhóm cư dân sinh sống tại A Lưới, Nam Đông - vùng bị nhiễm Dioxin – có sự giảm methyl hóa DNA ở gene CYP1A1. Nhưng sự giảm methyl hóa ở nhóm này dường như không phải do tác động của Dioxin tồn lưu trong môi trường hiện nay mà nhiều khả năng đã được di truyền bằng con đường biểu sinh từ những biến đổi methyl hóa DNA của thế hệ bố mẹ, những người phơi nhiễm trực tiếp với Dioxin trong thời kì rải chất độc hóa học chiến tranh. Giả thiết này cần sự kiểm chứng qua các nghiên cứu mở rộng với thân nhân của phân nhóm CASES_F_P và số lượng gene khảo sát nhiều hơn.
Nguyễn Thành Tín, Lê Phan Minh Triết, Nguyễn Viết Nhân, Cristina Giuliani, Donata Luiselli, Giovanni Romeo. (2018). Nghiên cứu sự biến đổi tình trạng methyl hóa DNA gen CYP1A1 của các cư dân hiện đang sống ở các vùng nhiễm chất độc màu da cam được rải trong thời kỳ chiến tranh tại huyện A Lưới và Nam Đông, Thừa Thiên Huế. Tạp chí Y Dược học, , 59. DOI: 10.34071/jmp.2018.2.10
Tạp chí Y Dược học thuộc Trường Đại học Y Dược- Đại học Huế được phép hoạt động báo chí theo giấy phép số 1720/GP-BTTTT ngày 15 tháng 11 năm 2010 và được Bộ Khoa học – Công nghệ cấp mã số ISSN 1859-3836 theo Quyết định số 009/TTKHCN-ISSN ngày 22 tháng 03 năm 2011
tcydhue@huemed-univ.edu.vn
0234-3824663
© 2010-2023
Tạp chí Y Dược học .
Cơ quan chủ quản: Trường Đại học Y-Dược Huế
Giấy phép xuất bản bản in số 1720/GP-BTTTT ngày 15/11/2010 của Bộ Thông tin và Truyền thông