Tạp chí Y Dược học - Tập 10 (06) năm 2020
Trần Như Minh Hằng, Nguyễn Quang Ngọc Linh, Võ Thị Hân, Lê Trần Tuấn Anh
2020 - Tập 10 (06), trang 57
Đặt vấn đề: Tỷ lệ trầm cảm ở bệnh nhân đái tháo đường là khá cao. Nhiều nghiên cứu cho thấy việc tuân thủ điều trị cũng như những hành vi sức khỏe phù hợp và lành mạnh có thể giúp giảm tỷ lệ trầm cảm ở bệnh nhân đái tháo đường típ 2.
Mục tiêu: (1) Khảo sát tỷ lệ của rối loạn trầm cảm bằng tiêu chuẩn lâm sàng của ICD 10. (2) Phân tích mối liên quan giữa rối loạn trầm cảm với hành vi sức khỏe, sự tuân thủ điều trị và các bệnh lý kèm theo ở các đối tượng nghiên cứu.
Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 210 bệnh nhân đái tháo đường típ 2 điều trị nội trú tại khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế và Khoa Nội Nội tiết - Thần Kinh, Bệnh viện Trung ương Huế. Nghiên cứu sàng lọc những trường hợp trầm cảm trong số các đối tượng nghiên cứu bằng thang PHQ - 9 với ngưỡng điểm cắt là 10 cho trầm cảm. Sau đó dùng tiêu chuẩn của ICD 10 chẩn đoán xác định lại các trường hợp có trầm cảm theo PHQ - 9 bởi các bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Khảo sát và phân tích các yếu tố về hành vi sức khỏe, tuân thủ điều trị và các bệnh lý kèm theo với trầm cảm thông qua bảng câu hỏi các yếu tố liên quan. Các yếu tố liên quan trong phân tích đơn biến sẽ được đưa vào phân tích đa biến.
Kết quả: Tỷ lệ rối loạn trầm cảm ở bệnh nhân đái tháo đường típ 2 khi đánh giá bằng tiêu chuẩn của ICD 10 là: 31,4% trong đó nhẹ là 4,3%, vừa là 19,5% và nặng là 7,6%. Các yếu tố hành vi sức khỏe liên quan với trầm cảm ở bệnh nhân đái tháo đường típ 2 là những hoạt động nhẹ nhàng, vừa phải như tập yoga, đi bộ, đạp xe đạp... giúp giảm tỷ lệ trầm cảm, trong khi đó lao động nặng hoặc chơi thể thao mạnh lại làm tỷ lệ trầm cảm tăng lên. Bên cạnh đó những bệnh nhân có từ 2 biến chứng trở lên, tăng huyết áp và có bệnh lý thận làm tăng nguy cơ trầm cảm khi phân tích đơn biến. Khi phân tích đa biến các yếu tố liên quan đến nguy cơ mắc trầm cảm là các bệnh lý nhiễm trùng.
Trầm cảm gặp tỷ lệ cao ở bệnh nhân đái tháo đường típ 2,các hoạt động thể lực nhẹ nhàng vừa phải làm giảm tỷ lệ trầm cảm. Những bệnh nhân đái tháo đường típ 2 có nhiều biến chứng và có bệnh lý nhiễm trùng đi kèm là các yếu tố nguy cơ cho trầm cảm.
Trần Như Minh Hằng, Nguyễn Quang Ngọc Linh, Võ Thị Hân, Lê Trần Tuấn Anh. (2020). Tỷ lệ rối loạn trầm cảm qua đánh giá bằng tiêu chuẩn lâm sàng của ICD 10 và mối liên quan với hành vi sức khỏe, tuân thủ điều trị và các bệnh lý kèm theo ở bệnh nhân đái tháo đường típ 2. Tạp chí Y Dược học, , 57. DOI: 10.34071/jmp.2020.6.8
Tạp chí Y Dược học thuộc Trường Đại học Y Dược- Đại học Huế được phép hoạt động báo chí theo giấy phép số 1720/GP-BTTTT ngày 15 tháng 11 năm 2010 và được Bộ Khoa học – Công nghệ cấp mã số ISSN 1859-3836 theo Quyết định số 009/TTKHCN-ISSN ngày 22 tháng 03 năm 2011
tcydhue@huemed-univ.edu.vn
0234-3824663
© 2010-2023
Tạp chí Y Dược học .
Cơ quan chủ quản: Trường Đại học Y-Dược Huế
Giấy phép xuất bản bản in số 1720/GP-BTTTT ngày 15/11/2010 của Bộ Thông tin và Truyền thông