Tạp chí Y Dược học - Tập 12 (06) năm 2022
Bùi Thị Thương, Nguyễn Văn Minh, Trần Xuân Thịnh
2022 - Tập 12 (06), trang 155
Đặt vấn đề: Tụt huyết áp trong gây tê tủy sống để phẫu thuật lấy thai là biến chứng rất phổ biến, có thể gây ra nhiều hậu quả nặng nề cho mẹ và thai nhi. Vì vậy, việc phòng ngừa và điều trị biến chứng này rất quan trọng. Thuốc vận mạch gần đây được đề nghị sử dụng để dự phòng tụt huyết áp trong gây tê tủy sống để phẫu thuật lấy thai là noradrenalin. Mục tiêu của nghiên cứu này là đánh giá hiệu quả dự phòng tụt huyết áp và tác dụng không mong muốn của noradrenalin truyền tĩnh mạch liên tục so với noradrenalin tiêm bolus tĩnh mạch trong gây tê tủy sống để phẫu thuật lấy thai.
Phương pháp nghiên cứu: Với phương pháp nghiên cứu đối chứng ngẫu nhiên, 110 sản phụ được gây tê tủy sống để phẫu thuật lấy thai, được chia ngẫu nhiên thành hai nhóm: Nhóm T: dự phòng bằng noradrenalin truyền tĩnh mạch với liều 0,05 μg/kg/phút (n = 55). Nhóm B: dự phòng bằng noradrenalin tiêm bolus tĩnh mạch 6 μg (n = 55). Cả hai nhóm đều được ghi nhận về tỷ lệ tụt huyết áp, mức độ tụt huyết áp, các tác dụng không mong muốn ở mẹ và chỉ số APGAR của trẻ sơ sinh ở thời điểm 1 phút và 5 phút.
Kết quả: Có 4 sản phụ ở nhóm B được đưa ra khỏi nghiên cứu do gây tê tủy sống thất bại. Tỷ lệ tụt huyết áp, mức độ tụt huyết áp 20 - 30% huyết áp nền của nhóm T thấp hơn nhóm B. Mức độ tụt huyết áp > 30% huyết áp nền và các tác dụng không mong muốn ở mẹ chiếm tỷ lệ thấp, tương đương nhau ở cả hai nhóm. Chỉ số APGAR của trẻ sơ sinh ở cả hai nhóm ở thời điểm 1 phút là từ 8 điểm trở lên và ở thời điểm 5 phút là từ 9 điểm trở lên.
Kết luận: Noradrenalin truyền tĩnh mạch với liều 0,05 μg/kg/phút có hiệu quả dự phòng tụt huyết áp sau gây tê tủy sống để phẫu thuật lấy thai tốt hơn so với noradrenalin tiêm bolus tĩnh mạch 6 μg. Cả hai nhóm dự phòng noradrenalin ít gây tác dụng không mong muốn đáng kể đối với mẹ và con
Bùi Thị Thương, Nguyễn Văn Minh, Trần Xuân Thịnh. (2022). Nghiên cứu hiệu quả dự phòng tụt huyết áp của noradrenalin trong gây tê tủy sống để phẫu thuật lấy thai. Tạp chí Y Dược học, , 155. DOI: 10.34071/jmp.2022.6.21
Tạp chí Y Dược học thuộc Trường Đại học Y Dược- Đại học Huế được phép hoạt động báo chí theo giấy phép số 1720/GP-BTTTT ngày 15 tháng 11 năm 2010 và được Bộ Khoa học – Công nghệ cấp mã số ISSN 1859-3836 theo Quyết định số 009/TTKHCN-ISSN ngày 22 tháng 03 năm 2011
tcydhue@huemed-univ.edu.vn
0234-3824663
© 2010-2023
Tạp chí Y Dược học .
Cơ quan chủ quản: Trường Đại học Y-Dược Huế
Giấy phép xuất bản bản in số 1720/GP-BTTTT ngày 15/11/2010 của Bộ Thông tin và Truyền thông