Tạp chí Y Dược học - Tập 11 (04) năm 2021
Nguyễn Thị Thùy Trang, Nguyễn Thị Tân, Nguyễn Văn Hưng, Lê Thị Thu Thảo
2021 - Tập 11 (04), trang 66
Đặt vấn đề: Hen phế quản là một bệnh lý không đồng nhất, thường có đặc điểm của viêm đường thở mạn tính, là một bệnh lý mang tính toàn cầu, gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh và là gánh nặng cho gia đình và toàn xã hội. Theo Y học cổ truyền, hen phế quản thuộc phạm vi chứng háo suyễn. Chứng trạng và chứng hậu biểu hiện trên bệnh rất đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, việc phân loại các chứng trạng cũng như các thể lâm sàng của bệnh chưa thực sự thống nhất giữa các nguồn tài liệu.
Mục tiêu: Khảo sát tần suất xuất hiện các chứng trạng về lưỡi và mạch, các chứng hậu trên lâm sàng theo Y học cổ truyền đồng thời tìm hiểu một số yếu tố liên quan đến tần suất xuất hiện các chứng hậu ở bệnh nhân Hen phế quản.
Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 102 bệnh được chẩn đoán xác định Hen phế quản đang điều trị tại Khoa Nội Tổng hợp - Nội tiết Bệnh viện Trường Đại học Y - Dược Huế và Khoa Nội tiết - Thần kinh - Hô hấp Bệnh viện Trung ương Huế từ tháng 7/2020 đến 3/2021.
Kết quả: Về màu sắc chất lưỡi: 27,5% màu nhợt nhạt; về hình thể lưỡi: 27,9% lưỡi to bệu; về rêu lưỡi: 56,7% màu trắng; về độ ẩm của rêu lưỡi: 18,3% rêu khô, 41% rêu dày. Về vị trí mạch: 72,1% mạch trầm; về tần số mạch: 25% mạch sác và đới sác. Về chứng hậu: Phế khí hư chiếm ưu thế với tỷ lệ 41,2%, Thận dương hư tỷ lệ 25,5%, Tỳ hư tỷ lệ 3,9%.
Kết luận: Các chứng trạng chiếm tỷ lệ cao như: chất lưỡi hồng nhạt, hình thể lưỡi trung bình, rêu lưỡi trắng, rêu lưỡi nhuận, rêu lưỡi dày, mạch trầm và mạch hoãn. Một số chứng trạng ít gặp hơn như rêu lưỡi ướt, lưỡi mất rêu. Thể Phế khí hư và thể Thận dương hư thường gặp hơn, ít gặp nhất là thể Tỳ hư. Có mối liên quan giữa thể lâm sàng với màu sắc chất lưỡi, màu sắc rêu lưỡi và tần số mạch (p < 0,05).
Nguyễn Thị Thùy Trang, Nguyễn Thị Tân, Nguyễn Văn Hưng, Lê Thị Thu Thảo. (2021). Khảo sát tần suất xuất hiện các chứng trạng về lưỡi, mạch và các chứng hậu trên lâm sàng theo Y học Cổ truyền ở bệnh nhân hen phế quản. Tạp chí Y Dược học, , 66. DOI: 10.34071/jmp.2021.4.10
Tạp chí Y Dược học thuộc Trường Đại học Y Dược- Đại học Huế được phép hoạt động báo chí theo giấy phép số 1720/GP-BTTTT ngày 15 tháng 11 năm 2010 và được Bộ Khoa học – Công nghệ cấp mã số ISSN 1859-3836 theo Quyết định số 009/TTKHCN-ISSN ngày 22 tháng 03 năm 2011
tcydhue@huemed-univ.edu.vn
0234-3824663
© 2010-2023
Tạp chí Y Dược học .
Cơ quan chủ quản: Trường Đại học Y-Dược Huế
Giấy phép xuất bản bản in số 1720/GP-BTTTT ngày 15/11/2010 của Bộ Thông tin và Truyền thông