Tạp chí Y Dược học - Tập 11 (03) năm 2021
Nguyễn Thị Thùy Dương, Lê Mỹ Hương, Nguyễn Mai Anh, Hoàng Minh Phương, Lê Văn Trị, Nguyễn Thanh Tùng
2021 - Tập 11 (03), trang 27
Đặt vấn đề: Xương ổ răng có thể bị phá hủy bởi nhiều nguyên nhân như chấn thương, u và nang xương hàm, nhiễm trùng và mất răng, ảnh hưởng đến chức năng, thẩm mỹ, sự thoải mái và tự tin ở bệnh nhân. Nhằm tái tạo lại phần khuyết hổng xương ổ răng, bên cạnh xương tự thân, các loại vật liệu sinh học vô cơ và có tế bào đang được phát triển và ứng dụng rộng rãi trong đó có Biphasic Calcium Photphat (BCP). Do đó, việc nghiên cứu một mô hình khuyết hổng xương ổ răng trên động vật nhằm đánh giá quá trình tạo xương và tiềm năng của vật liệu trước khi ứng dụng trên lâm sàng là rất cần thiết.
Mục tiêu: Đánh giá đặc điểm lành thương sau tái tạo khuyết hổng xương ổ răng và kết quả tái tạo khuyết hổng xương ổ răng bằng Xquang và phân tích mô học. Qua đó tạo ra một mô hình thử nghiệm đánh giá tiềm năng của các loại vật liệu trước khi ứng dụng trên lâm sàng.
Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu được thực hiện trên 18 con thỏ trắng, đực, thuần chủng, khỏe mạnh trọng lượng trọng lượng 2,5 ± 0,2kg, 8-10 tuần tuổi, được chia làm 2 nhóm: nhóm chứng, nhóm bột xương. Tiến hành tạo khuyết hổng xương ổ răng ở 2 nhóm sau đó thực hiện tái tạo ở nhóm bột xương (bằng bột xương nhân tạo BCP). Đánh giá đặc điểm lành thương ở 2 nhóm sau 1, 3, 5, 7, 14 ngày sau phẫu thuật và đánh giá tái tạo xương ổ răng bằng Xquang và phân tích mô học sau 2, 4, 6 tuần.
Kết quả: Điểm lành thương ở mỗi nhóm tăng dần từ ngày 1 đến ngày 14, có ý nghĩa thống kê kể từ ngày 5. Điểm lành thương của nhóm bột xương cao hơn nhóm chứng nhưng không có ý nghĩa thống kê (p>0,05). Điểm Xquang ở mỗi nhóm tăng dần từ tuần 2 đến tuần 6, có ý nghĩa thống kê ở tuần thứ 6 (p<0,05). Điểm Xquang của nhóm bột xương cao hơn nhóm chứng nhưng không có ý nghĩa thống kê (p>0,05). Mô liên kết mới hình thành nhóm chứng đạt cao nhất ở 4 tuần và giảm sau 6 tuần (p<0,05). Tuy nhiên, nhóm bột xương đạt lượng mô liên kết mới cao nhất ở 2 tuần và giảm dần sau 4 tuần và 6 tuần. (p<0,05). Lượng xương mới hình thành ở mỗi nhóm tăng có ý nghĩa thống kê từ 2 tuần đến 6 tuần. Lượng xương mới hình thành ở nhóm bột xương cao hơn nhóm chứng có ý nghĩa thống kê (p<0,05).
Kết luận: Mô hình trên cho phép chúng ta đánh giá khả năng tái tạo xương của các vật liệu khác nhau. Đồng thời, bột xương nhân tạo BCP là một vật liệu tiềm năng để tái tạo những khuyết hổng xương ổ răng trên lâm sàng.
Nguyễn Thị Thùy Dương, Lê Mỹ Hương, Nguyễn Mai Anh, Hoàng Minh Phương, Lê Văn Trị, Nguyễn Thanh Tùng. (2021). Nghiên cứu khả năng tái tạo xương ổ răng bằng bột xương nhân tạo in vivo. Tạp chí Y Dược học, , 27. DOI: 10.34071/jmp.2021.3.4
Tạp chí Y Dược học thuộc Trường Đại học Y Dược- Đại học Huế được phép hoạt động báo chí theo giấy phép số 1720/GP-BTTTT ngày 15 tháng 11 năm 2010 và được Bộ Khoa học – Công nghệ cấp mã số ISSN 1859-3836 theo Quyết định số 009/TTKHCN-ISSN ngày 22 tháng 03 năm 2011
tcydhue@huemed-univ.edu.vn
0234-3824663
© 2010-2023
Tạp chí Y Dược học .
Cơ quan chủ quản: Trường Đại học Y-Dược Huế
Giấy phép xuất bản bản in số 1720/GP-BTTTT ngày 15/11/2010 của Bộ Thông tin và Truyền thông